Em hiểu rằng sứ mệnh của hoa là làm đẹp cho đời, sứ mệnh của bầu trời là nắng và sứ mệnh của em là cứu người. Sứ mệnh của em trên vai màu áo trắng, bước vào nghề với nhiệt huyết tuổi đôi mươi, cô điều dưỡng năm nào mới tập tễnh vào nghề nay cũng đã hơn 10 năm kinh nghiệm, trải qua biết bao cung bậc cảm xúc có đôi khi là gay cấn đến nghẹt thở.
Tôi đã từng đọc và tâm đắc về khổ thơ miêu tả trọn vẹn nỗi lòng của người điều dưỡng như thế này:
“Anh ơi hãy hiểu cho em
Đã làm thầy thuốc nhiều đêm vắng nhà
Gần mà lại cứ phải xa
Để anh nhung nhớ vào ra đợi chờ
Bệnh nhân lúc tỉnh khi mơ
Nên em thức trắng mệt phờ phạc đêm
Nghe từng nhịp đập trái tim
Đếm từng giọt nước nổi chìm tử sinh
Lương y từ mẫu hết mình
Em thương con với nhớ anh từng giờ
Biết rằng con đợi chồng chờ
Bệnh nhân từng phút cậy nhờ nghề em.
Điều dưỡng chính là những thiên thần áo trắng chứng kiến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, những tiếng khóc bi ai hay những giọt nước mắt hạnh phúc của con người.
Vâng, làm sao người điều dưỡng có thể làm được những công việc khó khăn và áp lực đến thế, cái công việc mà nhiều người bình thường mới nghe thấy đã nổi da gà sợ hãi, bởi nghĩ đến máu mủ, đờm dãi, phân, nước tiểu, nghĩ đến các căn bệnh và rủi ro lây nhiễm, rồi những đêm trực trắng đêm cùng áp lực từ nhiều phía thì chẳng dễ dàng gì có thể vượt qua mà dấn thân chấp nhận hy sinh? Vậy nên phải yêu lắm, thương lắm, phải “Tâm” lắm thì mới có được nghị lực và chấp nhận tất cả bởi tôi biết cái chúng tôi cho đi là tình yêu thương mà không cần nhận lại và khi bạn cho đi là bạn đã nhận được nhiều hơn thế. Đó là những niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến của bệnh nhân mà bao ngày bạn chăm sóc khỏi bệnh được đoàn tụ cùng gia đình.
Không phải con đường nào cũng bằng phẳng, cũng trải thảm. Mà có những con đường gập ghềnh, khó đi. Đó là những ngày tôi gặp những khuôn mặt cau có, những lời nói trống không, thiếu chủ ngữ vị ngữ, cùng sự nạt nộ vô cảm, hay những hành động thiếu ý thức của một số người bệnh, thân nhân người bệnh. Tôi đã suy nghĩ đến câu nói của vị lãnh đạo mà “ Nhẫn” hơn, mà đồng cảm, mà chia sẻ và cảm thông hơn với họ.
Trải qua biết bao cung bậc cảm xúc, việc buồn nhất của một điều dưỡng có lẽ là chăm sóc những người bệnh giai đoạn hấp hối. Ý thức được trách nhiệm của mình, dù đang trong hoàn cảnh nào, chúng tôi luôn giữ cho mình sự tỉnh táo để an ủi, động viên người bệnh và thân nhân người bệnh.
Rõ ràng, hiếm có một nghề nào buộc con người phải vượt qua giới hạn về tình thương và sự chai lì trước những điều tiếng không hay cũng như đối mặt với những hiểm họa rình rập như vậy. Vì lẽ đó, để làm tốt công việc này, chúng tôi những người điều dưỡng gạt bỏ hết những định kiến,những cái tôi trong con người mộc mạc này,chỉ để lại cái tâm để trọn vẹn 2 tiếng “điều dưỡng”.