Bệnh bạch hầu lây qua đường nào, tiếp xúc với người bệnh bạch hầu có bị lây không… là những vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm bệnh bạch hầu, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Hãy cùng Hệ thống Y tế Medic tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Nội dung chính
Bệnh bạch hầu có lây không?
Bệnh bạch hầu có tính truyền nhiễm cao, có thể lây lan từ người sang người thông qua nhiều đường khác nhau. Một người có thể mắc bệnh bạch hầu nhiều lần nếu không được chủng ngừa đầy đủ. (2)
1. Thời gian ủ bệnh
Đối với bệnh bạch hầu, thời gian ủ bệnh kéo dài trong khoảng từ 2 – 5 ngày hoặc lâu hơn, tính từ lúc nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
2. Thời gian lây nhiễm
Người đang mang vi khuẩn bạch hầu có thể lây truyền bệnh cho người khác trong vòng 4 tuần, ngay cả khi chưa xuất hiện triệu chứng bệnh. Người mắc bệnh bạch hầu không còn khả năng lây nhiễm trong khoảng 48 giờ sau khi sử dụng thuốc kháng sinh.
Bệnh bạch hầu lây qua đường nào?
Thông thường, bệnh bạch hầu có thể lây truyền thông qua một số đường sau:
1. Đường hô hấp
Bệnh bạch hầu chủ yếu lây lan thông qua đường hô hấp, khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện…, làm lan truyền giọt bắn có chứa vi khuẩn bạch hầu vào không khí. Một khi người khỏe mạnh hít phải thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh (nếu cơ thể chưa có miễn dịch giúp chống lại vi khuẩn bạch hầu).
2. Tiếp xúc gián tiếp
Vi khuẩn bạch hầu cũng có thể lây truyền gián tiếp khi người khỏe mạnh tiếp xúc với những vật dụng có dính giọt bắn, hoặc chất bài tiết có chứa vi khuẩn bạch hầu. Một người khỏe mạnh có thể bị nhiễm bệnh bạch hầu khi sử dụng vật dụng cá nhân như dao kéo, cốc, quần áo, ga trải giường, khăn giấy… với người bệnh. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây truyền khi người khỏe mạnh chạm vào vết loét đang bị nhiễm trùng trên cơ thể người bệnh bạch hầu.
Ai có nguy cơ cao bị lây nhiễm?
Bất kỳ ai không có miễn dịch (chưa tiêm vắc xin hoặc có tiêm nhưng chưa đủ) đều có thể nhiễm bệnh bạch hầu. Ngoài ra, những người có hệ miễn dịch yếu hoặc những người tiếp xúc gần với người bệnh bạch hầu cũng có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh.
Ở một số quốc gia, việc tiêm chủng thường xuyên bị gián đoạn cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bạch hầu. Tình trạng quá tải tại các trại tị nạn cũng làm gia tăng nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm.
Cần làm gì khi được chẩn đoán nhiễm bệnh bạch hầu?
Mỗi người cần biết nên làm gì nếu chẳng may nhận chẩn đoán nhiễm bệnh bạch hầu. Người có chẩn đoán bị nhiễm bệnh bạch hầu cần cách ly để tránh lây bệnh cho người khác. Đồng thời tiến hành điều trị bệnh ngay lập tức, thậm chí trước cả khi kết quả xét nghiệm được xác nhận.
Bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh dùng thuốc kháng độc tố bạch hầu và thuốc kháng sinh như erythromycin hoặc penicillin để chống lại tình trạng nhiễm trùng, tránh làm tổn thương các cơ quan trong cơ thể.
Khi kết thúc quá trình chữa trị, các xét nghiệm sẽ được thực hiện lại để đảm bảo rằng vi khuẩn đã hoàn toàn biến mất. Sau đó, người vừa khỏi bệnh cần được tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh bạch hầu.
Theo WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), bệnh bạch hầu có thể gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm (như tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim, tổn thương dây thần kinh dẫn đến tê liệt, nuốt sặc, mất kiểm soát bàng quang, tê liệt cơ hoành, nhiễm trùng phổi…) nếu không xử trí, chữa trị kịp thời, thậm chí có thể dẫn đến tử vong chỉ trong vòng 6 – 10 ngày.
Vì vậy, ngay khi có dấu hiệu mắc bệnh bạch hầu, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán, đưa ra hướng chữa trị phù hợp.
Biện pháp phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm
Mỗi người cần chủ động áp dụng các biện pháp giúp phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh bạch hầu. Trong đó, tiêm vắc xin là biện pháp giúp ngăn ngừa bệnh bạch hầu một cách hiệu quả. Hiện nay, chưa có vắc xin đơn phòng bệnh bạch hầu tại Việt Nam, tuy nhiên bạn có thể tiêm những loại vắc xin phối hợp có chứa thành phần kháng nguyên bạch hầu.
Phụ huynh cần cho con trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu theo chương trình tiêm chủng mở rộng vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi. Đồng thời tiến hành tiêm các mũi nhắc lại khi trẻ được 18 – 24 tháng tuổi, 4 – 7 tuổi và 9 – 15 tuổi.
Nguyên nhân là do theo thời gian, khả năng bảo vệ của vắc xin bạch hầu sẽ giảm dần. Các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bệnh bạch hầu như người già (trên 50 tuổi), phụ nữ trước hoặc đang mang thai, người bị bệnh mạn tính, … cũng cần tiêm vắc xin ngừa bệnh bạch hầu.
Vắc xin ngừa bạch hầu hiện có trong tất cả những loại vắc xin phối hợp, ví dụ như: vắc xin phối hợp 3 trong 1, vắc xin phối hợp 4 trong 1, vắc xin phối hợp 5 trong 1, vắc xin phối hợp 6 trong 1.
Trong đó, loại vắc xin phối hợp 5 trong 1 và vắc xin phối hợp 6 trong 1 được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tuần – 2 tuổi. Vắc xin phối hợp 4 trong 1 được chỉ định chủng ngừa cho trẻ từ 2 tháng – dưới 7 tuổi. Vắc xin phối hợp 3 trong 1 được chỉ định chủng ngừa cho người lớn và trẻ từ 4 tuổi trở lên. Loại vắc xin phòng uốn ván, bạch hầu có thể chủng ngừa cho người lớn và trẻ từ 7 tuổi trở lên.
Để tiêm ngừa bệnh bạch hầu, bạn nên đến các bệnh viện uy tín, hoặc những trung tâm tiêm chủng lớn, có đầy đủ các loại thuốc, vắc xin. Hiện tại, Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC là địa chỉ uy tín, chuyên cung cấp dịch vụ tiêm ngừa vắc xin cho cả trẻ em và người lớn, bao gồm cả vắc xin ngừa bệnh bạch hầu chẳng hạn như: vắc xin 6 trong 1 (Infanrix Hexa, Hexaxim), vắc xin 5 trong 1 (Pentaxim), vắc xin 4 trong 1 (Tetraxim), vắc xin 3 trong 1 (Boostrix, Adacel), vắc xin uốn ván – bạch hầu hấp phụ (Td)
Bên cạnh việc tiêm chủng, mỗi người cũng cần áp dụng thêm một số biện pháp để góp phần phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh bạch hầu như:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh cá nhân, che miệng khi ho/hắt hơi, hạn chế tiếp xúc một cách trực tiếp với người bệnh bạch hầu hoặc người nghi ngờ đã nhiễm bệnh bạch hầu.
- Đảm bảo không gian nhà ở, làm việc… được thông thoáng, sạch sẽ, có đủ ánh sáng.
- Người có triệu chứng nghi mắc bệnh bạch hầu cần được cách ly, đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, chữa trị kịp thời.
- Người sống trong vùng đang có dịch cần nghiêm túc chấp hành việc khám chữa bệnh, phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế tại địa phương
Tóm lại, bệnh bạch hầu lây qua đường nào? Bạch hầu chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp, căn bệnh này cũng truyền nhiễm thông qua việc tiếp xúc gián tiếp. Mỗi người cần chủ động tiêm vắc xin và áp dụng các biện pháp giúp phòng ngừa hiệu quả bệnh bạch hầu.