Bạch hầu là căn bệnh nguy hiểm trên toàn thế giới với tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi là 20%. Việc thực hiện biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời là điều cần thiết bởi vì bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy biến chứng bạch hầu nguy hiểm như thế nào? Biện pháp phòng tránh hiệu quả là gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Hệ thống Y tế Medic.
Nội dung chính
Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào?
Theo Cục Y tế dự phòng Việt Nam (VNCDC), bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng – nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae (còn gọi là trực khuẩn Klebs-Loeffler) gây nên. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, chúng thường khu trú và gây tổn thương đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ngoại độc tố khiến nhiễm độc toàn thân, thậm chí tử vong do tắc đường thở và viêm cơ tim.
Bệnh lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp hoặc gián tiếp qua vật dụng, đồ chơi,… Khi nhiễm bệnh, người bệnh có những triệu chứng điển hình của bệnh như:
- Cơ thể sốt nhẹ khoảng 37,5 – 38oC, có cảm giác đau họng, khó chịu, mệt mỏi, ăn kém, da hơi xanh xao.
- Sau khoảng 2-3 ngày, có giả mạc lan tràn ở một bên hoặc 2 bên amidan, giả mạc lúc đầu trắng ngà, sau ngả màu hơi vàng nhạt, dính chặt vào niêm mạc, dễ gây chảy máu. Đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh bạch hầu.
- Bệnh nhân cảm thấy khó thở, khó nuốt.
- Hạch góc hàm sưng đau. Bệnh nhân sổ mũi nhiều, nước mũi trắng hoặc lẫn mủ
Bệnh có thể qua khỏi hoặc trầm trọng gây tử vong tròng 6-10 ngày. Tỷ lệ tử vong trung bình khoảng 5-10%, đối với trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi tỷ lệ tỷ vong tăng lên đến 20%.
Các biến chứng của bạch hầu
“Biến chứng của bệnh bạch hầu là gì?” chắc hẳn là vấn đề của nhiều người quan tâm. Biến chứng bệnh bạch hầu rất nguy hiểm, nếu không được phát hiện và can thiệp điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí gây tử vong trong thời gian ngắn.
Tắc nghẽn đường hô hấp
Các triệu chứng điển hình của bệnh chủ yếu gây ảnh hưởng đến họng – thanh quản. Vi khuẩn sẽ tạo lớp màng giả màu trắng bám chặt vào vòm họng. Lớp màng này nếu không được điều trị kịp thời sẽ lan rộng, lấp kín đường hô hấp, dẫn đến ngạt thở và suy hô hấp.
Viêm cơ tim
Độc tố của bệnh bạch hầu có thể gây ảnh hưởng tim như rối loạn nhịp tim, suy tim,… thậm chí gây tử vong. Biến chứng viêm cơ tim xảy ra khi bệnh đã ở giai đoạn toàn phát hoặc cũng có thể xảy ra sau khi khỏi bệnh một vài tuần. Khi viêm cơ tim xuất hiện ở những ngày đầu mắc bệnh, tiên lượng bệnh thường khá xấu, nguy cơ tử vong rất cao. Một số trường hợp một số bệnh nhân viêm cơ tim và van tim có thể mắc bệnh tim mãn tính và suy tim do tổn thương van tim lâu dài.
Gây tổn thương hệ thần kinh
Độc tố bạch hầu có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, dẫn đến biến chứng thần kinh nguy hiểm, gây tê liệt. Biến chứng này có thể xuất hiện vài tuần sau khi bệnh nhân trải qua các triệu chứng đầu tiên của bệnh bạch hầu.
Gặp các vấn đề về bàng quang
Bên cạnh các biến chứng tim và thần kinh, bệnh bạch hầu còn có thể gây ra rối loạn chức năng thần kinh bàng quang. Biến chứng này xảy ra khi độc tố bạch hầu tấn công các dây thần kinh kiểm soát bàng quang, khiến người bệnh không thể làm trống hoàn toàn bàng quang. Điều đó gây ra tình trạng: Tiểu thường xuyên, tiểu rắt, mất kiểm soát bàng quang.
Rối loạn chức năng thần kinh bàng quang thường phát triển trước khi tê liệt cơ hoành, biến chứng hô hấp nguy hiểm. Do đó, sự xuất hiện của các triệu chứng rối loạn bàng quang được coi là dấu hiệu cảnh báo sớm nguy cơ gặp các vấn đề hô hấp.
Cơ hoành bị tê liệt
Cơ hoành đóng vai trò quan trọng trong hệ hô hấp, giúp chúng ta hít thở. Bệnh bạch hầu có thể dẫn đến liệt cơ hoành, khiến cơ này ngừng hoạt động. Khi cơ hoành bị tê liệt, cơ hoành không thể co bóp để hít thở, dẫn đến suy hô hấp cấp và dẫn đến tử vong.
Liệt cơ hoành do bạch hầu có thể xuất hiện vài tuần sau khi bệnh, ngay cả khi người bệnh đã hồi phục từ nhiễm trùng ban đầu hoặc có thể xuất hiện sau các biến chứng khác (viêm cơ tim, nhiễm trùng phổi,…). Do đó, theo dõi sức khỏe người bệnh sau khi điều trị bạch hầu là vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong 6 tuần đầu tiên, giúp phát hiện sớm biến chứng liệt cơ hoành và có biện pháp xử trí kịp thời.
Suy hô hấp hoặc viêm phổi
Vào tuần thứ 5 của bệnh bạch hầu, có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm là liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi và liệt cơ hoành. Như đã nói, cơ hoành đóng vai trò quan trọng trọng hệ thống hô hấp, do đó nếu cơ hoành bị tê liệt, người bệnh có thể gặp triệu chứng khó thở thường xuyên hơn, thậm chí gây suy hô hấp hoặc viêm phổi.
Tử vong
Ngay cả khi can thiệp điều trị bệnh kịp thời, người bệnh vẫn có thể tử vong do bệnh bạch hầu (khoảng 10% số ca mắc bệnh). Tuy nhiên, nếu không được điều trị, một nửa số ca mắc bệnh có thể tử vong vì căn bệnh này.
Biện pháp phòng tránh bệnh bạch hầu
Hiện nay, dịch bạch hầu đang dần bùng phát trở lại, nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Đối với bệnh bạch hầu, phương pháp phòng tránh hiệu quả nhất đó là tiêm ngừa vaccine để tạo miễn dịch chủ động.
Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã đưa vaccine hạch hầu vào các mũi vaccine phối hợp với uốn ván và ho gà. Khi trẻ được 2 tháng tuổi, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng với 3 mũi cơ bản cách nhau ít nhất 1 tháng, trẻ đủ 18 tháng sẽ nhắc lại lần thứ 4 và có thể tiêm mũi nhắc lại sau 10 năm.
Ngoài tiêm ngừa, một số biện pháp khác giúp phòng bệnh bạch hầu bao gồm:
- Rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thường xuyên.
- Che miệng khi hắt hơi hoặc ho.
- Vệ sinh thân thể, mũi họng hàng ngày.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Môi trường xung quanh đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ và đủ ánh sáng.
- Nếu có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh cần cách ly và đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
- Người dân ở ổ dịch cần nghiêm túc chấp hành việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.