Ung thư biểu mô tế bào gan là bệnh lý bắt nguồn từ các tế bào gan, thường gặp ở những người có tiền sử viêm gan B, C hoặc xơ gan. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm lạm dụng rượu, béo phì và tiếp xúc với một số chất độc hại. Bệnh thường tiến triển âm thầm và khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Hiện nay, các phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật, cấy ghép gan, hóa trị, xạ trị và các liệu pháp điều trị mục tiêu.
Nội dung chính
- 1 Ung thư biểu mô gan là gì?
- 2 Nguyên nhân ung thư biểu mô tế bào gan là gì?
- 3 Triệu chứng của ung thư biểu mô tế bào gan
- 4 Các giai đoạn của bệnh ung thư biểu mô tế bào gan
- 5 Tiên lượng của ung thư biểu mô tế bào gan
- 6 Cách chẩn đoán bệnh ung thư biểu mô tế bào gan
- 7 Cách điều trị bệnh ung thư biểu mô tế bào gan
- 8 Phòng ngừa bệnh ung thư biểu mô tế bào gan
Ung thư biểu mô gan là gì?
Theo Bệnh viện K, ung thư biểu mô tế bào gan (HCC – Hepatocellular carcinoma) là bệnh lý ác tính khi tế bào gan bình thường trở nên bất thường về hình thái và chức năng. Các tế bào ung thư này sẽ phát triển gây ảnh hưởng đến mô bình thường liền kề và có thể lây lan sang các vùng khác của gan cũng như các cơ qua bên ngoài gan (di căn).
HCC được công nhận như loại ung thư gan nguyên phát phổ biến nhất (chiếm 80 – 90%), có tỷ lệ mắc cao hơn hẳn ung thư biểu mô đường mật và u nguyên bào gan. Bệnh có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, tuy nhiên, tỷ lệ nam giới mắc K gan cao hơn nữ giới khoảng 2 lần.
Các bác sĩ chuyên khoa Gan Mật, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay: Ung thư biểu mô tế bào gan là loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam. Bệnh nếu phát hiện muộn thì tiên lượng không hề khả quan, tỷ lệ tử vong cao. Trong số các ca bệnh K gan ở nước ta, chỉ khoảng 20% người bệnh được chỉ định mổ cắt khối u khi được phát hiện.
Nguyên nhân ung thư biểu mô tế bào gan là gì?
Các bác sĩ đều thống nhất rằng không có nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ung thư gan. Dựa vào cơ chế tăng sinh bất thường của tế bào, chúng ta chỉ có thể xác định được các nhân tố nguy cơ có thể làm rối loạn gây đột biến gen như
Viêm gan virus B,C
Bệnh nhân viêm gan B cũng có nguy cơ tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào gan cao gấp 100 lần người bình thường. Theo các chuyên gia, sự xâm nhập của virus viêm gan B vào bộ gen của bệnh nhân cũng có thể khởi phát sự tăng sinh của các tế bào ác tính, mặc dù họ không có tiền sử xơ gan hay viêm gan trước đó.
Xơ gan
HCC còn được coi như một trong các biến chứng của tình trạng xơ gan. Xơ gan là hiện tượng hình thành các mô sẹo trên gan, do gan cố gắng phục hồi sau khi chịu tổn thương do virus, uống rượu quá nhiều. Quá trình này có thể lặp đi lặp lại, tổn thương càng kéo dài, số lượng mô sẹo hình thành càng nhiều, chức năng gan bị suy giảm lâu ngày sẽ tạo điều kiện thay đổi cấu trúc tế bào gan.
Kết hợp với lượng dịch tụ trong ở bụng gây chèn ép các tạng trong ổ bụng. Từ đây, biến chứng rối loạn tiêu hoá, xuất huyết, thậm chí các tế bào ung thư gan bắt đầu hình thành. Theo thống kê, có khoảng 80% bệnh nhân ung thư gan phát triển trên tiền sử bệnh lý xơ gan.
Gan nhiễm mỡ
Tưởng như không liên quan nhưng trên thực tế gan nhiễm mỡ có liên quan đến ung thư gan. Chất béo tích tụ lâu dài trong gan sẽ dẫn đến tổn thương gan, tăng men gan, dần dần diễn biến thành viêm gan nhiễm mỡ & xơ hoá gan. Nguy hiểm nhất là bệnh tình có thể diễn biến xấu, trở thành ung thư gan do gan nhiễm mỡ.
Chế độ ăn uống không lành mạnh
Trên thực tế, chế độ ăn uống ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng gan. Các chuyên gia khuyến cáo bạn không nên ăn nhiều các đồ ăn sau:
- Uống quá nhiều rượu, bia, đồ uống có cồn
- Ăn các thực phẩm bị nấm mốc, thức ăn bị hỏng như lạc, đậu tương, ngũ cốc, ngô,… sản sinh ra chất aflatoxin có độc tính mạnh thuộc nhóm thức ăn hại gan, gây nguy cơ thoái hoá, hoại tử tế bào gan cao
- Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ
- Đồ ăn nhanh chứa nhiều chất béo, muối, các chất làm ngọt nhân tạo
- Dưa chua muối
- Đồ ăn chế biến sẵn có hàm lượng muối cao
- Thịt nướng
- Các loại thịt đỏ….
Triệu chứng của ung thư biểu mô tế bào gan
Mặc dù ung thư biểu mô tế bào gan là bệnh nguy hiểm nhưng triệu chứng hết sức nghèo nàn, gần như không có hoặc rất mờ nhạt như:
- Đau tức vùng hạ sườn phải liên tục
- Chán ăn
- Mệt mỏi
- Gầy sút cân nhanh
- Sốt nhẹ
- Vàng da (có thể có)
- Cổ trướng ra máu
- Sốc
- Viêm phúc mạc
Các giai đoạn của bệnh ung thư biểu mô tế bào gan
Theo hướng dẫn của nhóm Ung thư gan Barcelona năm 2018, ung thư biểu mô tế bào gan được chia thành 05 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 0: Phát hiện 01 khối u với kích thước <2cm, không có tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Chức năng gan tốt và không hạn chế PS = 0. Trong giai đoạn này, bác sĩ có thể chỉ định ghép gan để điều trị cho người bệnh
- Giai đoạn A: Phát hiện 2 – 3 khối u có kích thước không quá 3cm. Chức năng gan tốt, thể trạng sức khoẻ bình thường, PS = 0. Tuỳ vào có tăng áp lực tĩnh mạch cửa, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt gan, ghép gan hay phá huỷ khối u
- Giai đoạn B: Bệnh nhân có nhiều khối u, xâm lấn ở cả 2 bên thuỳ gan không phẫu thuật được, Chức năng gan tốt. PS – 0. Nút mạch hóa chất có thể được chỉ định để kéo dài cơ hội sống thêm khoảng 2 – 5 năm.
- Giai đoạn C: Khối u gan đã xâm lấn tĩnh mạch cửa, đã di căn ngoài gan. Tuy nhiên, chức năng gan vẫn được bảo tồn PS = 0. Lúc này, liệu pháp miễn dịch, thuốc nhắm đích hoặc hoá trị liệu sẽ được chỉ định để kéo dài cơ hội sống còn từ 1 năm trở lên tuỳ đáp ứng thuốc, chức năng gan,…
- Giai đoạn D: Khối u xâm lấn tĩnh mạch cửa, di căn ngoài gan, chức năng gan suy giảm nghiêm trọng PS = 3.
Tiên lượng của ung thư biểu mô tế bào gan
Nhìn chung, nếu thời điểm phát hiện bệnh K gan càng sớm thì kết quả điều trị và tiên lượng thời gian sống càng tốt. Thời gian sống của bệnh nhân được phân loại theo Nhóm Ung thư gan Barcelona ở giai đoạn 0 chiếm tới 70 – 90% người bệnh sống còn trên 5 năm. Ở giai đoạn A, tỷ lệ này còn từ 50 – 70% và tỷ lệ này giảm dần ở các giai đoạn bệnh muộn hơn.
Cách chẩn đoán bệnh ung thư biểu mô tế bào gan
Các bác sĩ sẽ nghi ngờ người bệnh có dấu hiệu của bệnh K biểu mô tế bào gan nếu qua kiểm tra phát hiện người bệnh có:
- Gan to
- Bệnh nhân có tiền sử bệnh gan mạn tính xuất hiện gan mất bù không rõ nguyên nhân
- Chẩn đoán hình ảnh phát hiện khối ở góc phần tư bên phải của bụng ngẫu nhiên, đặc biệt ở bệnh nhân xơ gan
Các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán ung thư gan bao gồm:
- Xét nghiệm AFP: Trong máu của người bệnh K gan thường sẽ có lượng protein AFP cao. Nếu lượng AFP của bệnh nhân cao thì đây có thể là dấu hiệu của ung thư gan
- Chụp CT, chụp MRI: Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh sẽ được chỉ định đề xác định vị trí, kích thước khối u trong gan.
- Sinh thiết gan: Bác sĩ sẽ lấy mô gan và kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm các tế bào ung thư, xem xét tính chất khối u, xác định mức độ tổn thương,…
Cách điều trị bệnh ung thư biểu mô tế bào gan
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, các phương pháp chữa trị ung thư biểu mô tế bào gan tuân thủ các nguyên tắc như sau:
- Điều trị tổn thương K gan ở giai đoạn còn khả năng điều trị
- Điều trị bệnh lý nền và các yếu tố nguy cơ: xơ gan, viêm gan B, C,…
- Điều trị nội khoa kết hợp chăm sóc giảm nhẹ ở giai đoạn muộn
Bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện các phương án điều trị dưới đây:
Phẫu thuật cắt gan
Đây là phương pháp điều trị triệt căn nhất, bác sĩ sẽ cắt bỏ phần gan chứa khối u. Phần gan còn lại sẽ dần hồi phục. Ưu điểm của phẫu thuật là an toàn, bảo toàn được chức năng gan, khả năng chữa khỏi cao nếu phát hiện sớm, khối u chưa di căn.
Tuy nhiên, nhược điểm của phẫu thuật là nó không áp dụng được cho tất cả bệnh nhân, đặc biệt là những trường hợp gan đã bị tổn thương nặng do xơ gan. Bệnh nhân có khối u to, tổn thương gan nặng, phát hiện di căn ngoài gan cũng không phù hợp để phẫu thuật loại bỏ khối u.
Phẫu thuật ghép gan
Ghép gan là biện pháp duy nhất có thể điều trị cả ung thư và bệnh lý nền như xơ gan. Chỉ định ghép gan dành cho các bệnh nhân có 1 khối u kích thước không quá 5cm hoặc không quá 03 khối u với kích thước mỗi u không quá 03 cm, chưa xâm lấn và di căn xa.
Bệnh nhân sẽ được nhận một phần gan khỏe mạnh từ người hiến, thay cho thuỳ gan đã bị xâm lấn bởi tế bào ung thư. Tuy nhiên, ghép gan vẫn là một phương án điều trị không quá phổ biến bởi nguồn hiến tạng còn thiếu hụt và chi phí phẫu thuật khá cao.
Phá huỷ khối u qua da
Thông thường, các bác sĩ sẽ sử dụng sóng cao tần RFA để phá huỷ khối u. Cách chữa trị này chỉ phù hợp cho bệnh nhân có không quá 3 khối u, kích thước khối u không quá 3 cm và kích thước 1 khối u không quá 5 cm.
Dưới sự hỗ trợ của máy siêu âm, CT, bác sĩ sẽ đưa đầu kim qua da để tiếp cận khối u. Phần đầu kim phát ra vùng nhiệt để bao phủ và tiêu diệt khối u
Xạ trị
Tuỳ thuộc vào diễn biến bệnh lý, bệnh nhân có thể:
- Xạ trị trong chọn lọc: Các bác sĩ sẽ bơm hạt vi cầu phóng xạ vào động mạch nuôi khối u ở gan để các hạt này đi vào các nhánh nhỏ trong khắp khối u gây tắc mạch. Cách xạ trị này phù hợp cho bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan không còn khả năng phẫu thuật, thể trạng tốt và chức năng gan vẫn được bảo tồn.
- Xạ trị định vị thân: Chùm bức xạ sẽ được sử dụng để điều trị nhiều khối một lúc, kể cả khối u có vị trí khó. Tương tự phương pháp này cũng dành cho bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh kết hợp, không có nguyện vọng phẫu thuật hoặc vị trí không thuận lợi cho bệnh K
- Xạ trị ngoài: Dành cho người bệnh đang điều trị giảm nhẹ
Hoá trị
Căn cứ vào cơ chế khối u ở gan cần rất nhiều mạch máu nuôi dưỡng. Vì thế, các bác sĩ có thể sử dụng buồng truyền và dây dẫn đặt chọn lọc vào động mạch gan sau khi nút tắc các nhánh mạch của động mạch gan cấp máu cho các tạng khác.
So với xạ trị toàn thân, truyền hoá chất chỉ ảnh hưởng đến vùng khối u khu trú nên ít tác dụng phụ hơn.
Nút mạch hóa chất
Đây là phương pháp được chỉ định cho các trường hợp người bệnh có khối u không cắt được, nhiều u ở cả hai thuỳ nhưng chưa xâm nhập mạch máu và chưa di căn ngoài gan. Hiệu quả của cách thực hiện này để tăng hiệu quả điều trị, giảm biến chứng và không ảnh hưởng đến phần gan lành quanh u.
Nếu u đã vỡ hoặc có nguy cơ vỡ mà chức năng gan đã bị suy giảm quá nhiều hoặc cơ thể không cho phép làm nút mạch hóa chất thì có thể làm nút mạch đơn thuần.
Điều trị nhắm trúng đích và điều trị miễn dịch
Đây là phương án được ưu tiên và phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây với mục đích cải thiện triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân như sau:
- Liệu pháp nhắm trúng đích: Chủ yếu sử dụng các loại thuốc để ngăn chặn đường dẫn tín hiệu của khối u, ngăn ngừa khối u phát triển và di căn ngoài gan. Ứng dụng cho các trường hợp khối u tiến triển, không còn chỉ định phẫu thuật.
- Liệu pháp miễn dịch: Người bệnh sẽ được tiêm các loại thuốc, vắc xin đặc trị để các tế bào miễn dịch nhận diện được khối u và tiêu diệt chúng. Đây là biện pháp hiệu quả để cải thiện thời gian sống cho người bệnh K gan giai đoạn muộn hoặc bệnh nhân tái phát ung thư
- Kháng sinh tăng mạch máu: Thuốc sẽ được chỉ định cho người bệnh để ngăn sự phát triển của các mạch máu nuôi khối u và ức chế hình thành các mạch máu nuôi khối u mới.
Điều trị giảm nhẹ
Khi tổng thể tích khối u vượt quá 50% thể tích gan, đã có huyết khối tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch chủ dưới, phát hiện di căn ngoài gan và chức năng gan suy giảm nghiêm trọng thì mục đích điều trị sẽ thay đổi. Theo hội Gan mật Việt Nam, điều trị giảm nhẹ được thực hiện cho các bệnh nhân có tiên lượng sống khoảng 3 tháng.
Giai đoạn này, các phương pháp giảm đau, phối hợp điều trị tâm lý sẽ được ưu tiên nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, ổn định tâm lý bên cạnh những người thân yêu trong khoảng thời gian cuối cùng của cuộc sống.
Phòng ngừa bệnh ung thư biểu mô tế bào gan
Để phòng ngừa bệnh hiểm nghèo về gan, bạn nên thực hiện
- Tiêm chủng vắc xin ngừa viêm gan B, C cho người chưa nhiễm, tái khám và theo dõi định kỳ nếu có các bệnh lý viêm gan B, gan nhiễm mỡ, men gan cao, xơ gan,…
- Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn và không hút thuốc lá
- Điều trị duy trì các bệnh chuyển hoá như tiểu đường, béo phì,…
- Tránh sử dụng các thực phẩm bị mốc như ngô, lạc, các loại hạt…
- Thay đổi lối sống: Luyện tập thể dục thường xuyên, ăn ít đồ dầu mỡ, chiên rán, đồ chế biến sẵn,…
- Duy trì cân nặng ổn định
Ngoài ra, người bệnh cũng cần thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ và đi khám ngay nếu phát hiện các dấu hiệu của bệnh gan.
Có thể nói, ung thư biểu mô tế bào gan là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, diễn biến thầm kín và tiên lượng không hề khả quan. Để bảo vệ sức khoẻ của bản thân và những người thân yêu, bạn nên thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ và tầm soát nếu như có nguy cơ mắc bệnh cao.